Ở Việt Nam mình, trang sức vàng chỉ được tính bằng chỉ, trong khi bộ tộc Ashanti ở Ghana (Châu Phi) dùng đơn vị ki-lô-gam để cân trang sức đeo trên người.
Đất nước Ghana không mấy giàu có trên bản đồ kinh tế thế giới, nhưng bộ tộc người Ashanti thuộc đất nước Tây Phi này lại nổi như cồn về việc buôn bán vàng và sự giàu có đến kinh ngạc. Điều này lý giải vì sao người trong tộc thường đeo những món trang sức vàng nặng tới vài kg vào mỗi dịp gặp gỡ bạn bè.
Người Ashanti không chỉ xem vàng là món đồ trang sức mà đó còn là dấu hiệu thể hiện đẳng cấp và địa vị xã hội. Một người Ashanti đeo càng nhiều vàng chứng tỏ anh/cô ấy có cả gia tài khổng lồ. Quan niệm này vẫn đúng ngay cả khi họ giao tiếp với các bộ tộc khác.
Với dân số 1,5 triệu người, bộ tộc Ashanti giờ đây gần như trở thành một quốc gia mới, họ có nền chính trị độc lập so với bốn vùng đất khác của Ghana. Trước kia, vương quốc Ashanti nằm biệt lập giữa rừng. Họ chỉ giàu mạnh kể từ khi con đường buôn vàng mở qua vương quốc này vào thế kỷ 13. Đến tận năm 1957, bộ tộc này vẫn là thuộc địa của Anh.
Từ khi vàng thống trị kinh tế của Ashanti, người trong tộc đánh giá mọi việc qua vàng. Người ta chỉ đặt niềm tin vào các đối tác khi họ đeo thật nhiều vàng hay cô gái/chàng trai tìm vợ, gả chồng phải đeo nhiều vàng nhất.
Người phụ nữ Ashanti đóng vai trò quyết định, họ duy trì chế độ mẫu hệ. Một đứa trẻ được cho là thừa hưởng linh hồn của cha và cơ bắp, huyết thống của mẹ. Quan niệm này khiến người Ashanti vẫn tin tưởng vào chế độ mẫu hệ cho tới tận ngày nay, nhưng đàn ông Ashanti được phép lấy nhiều vợ. Một đại gia đình Ashanti có thể sinh sống trong nhiều ngôi nhà hay túp lều được dựng xung quanh sân nhà. Ngôi nhà chính dành cho con cả, người có quyền hành nhất trong gia đình.
Con trai trong tộc Ashanti theo cha đến khoảng 8-9 tuổi. Chúng được dạy kỹ năng lựa chọn, học đánh trống truyền thống. Trong khi đó, các bà mẹ dạy con gái nấu nướng, giữ gìn tổ ấm của mình, làm việc chính ngoài đồng ruộng, mang một số thứ cần thiết như nước về cho đại gia đình.
Cưới hỏi là việc rất quan trọng với người Ashanti. Đàn ông được phép lấy nhiều vợ, phụ nữ không có quyền kết hôn nếu chưa được bố mẹ cho phép. Nhiều phụ nữ thậm chí chưa từng gặp mặt chồng cho tới ngày kết hôn. Thế nhưng, chuyện ly dị trong văn hóa Ashanti lại rất hiếm xảy ra, gia đình hai bên phải có trách nhiệm giữ gìn cuộc hôn nhân của con cái mình.
0 nhận xét